Trả lời:
Không nên xóa quá nhiều nốt ruồi cùng một lúc vì có thể gây khó khăn trong quá trình chăm sóc da sau xóa,ónênxóanhiềunốtruồimộtlúlego dẫn đến dễ nhiễm trùng và tạo sẹo xấu. Một số nốt ruồi có thể có gốc nằm ở sâu dưới da và không thể đốt hết trong một lần điều trị nên sẽ tái phát. Nốt ruồi có thể là một dấu hiệu của ung thư da, nên phải kiểm tra kỹ trước khi xóa để không nhầm lẫn và phải thực hiện tại bệnh viện.
Ngoài ra, hầu hết các nốt ruồi đều vô hại nên không nhất thiết phải xóa, trừ trường hợp ảnh hưởng thẩm mỹ hay gây kích ứng do cọ xát. Tùy vào vị trí, kích thước nốt ruồi, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tối ưu.
Đối với nốt ruồi nhỏ, bác sĩ xóa bằng laser vì có thể tác động chính xác vào điểm cần xóa và không gây tổn thương mô xung quanh quá nhiều. Tuyệt đối không tự tẩy nốt ruồi tại nhà bằng phương pháp dân gian như giấm táo, đắp tỏi, dùng lưỡi dao cạo...
Sau khi xóa nốt ruồi bằng laser nên giữ khô, tránh đọng nước nơi vết đốt, không được chà hoặc gãi khiến cho da tổn thương. Thường xuyên vệ sinh sát khuẩn quanh vết thương bằng nước muối sinh lý, hỗ trợ loại bỏ tối đa sự tích tụ của vi khuẩn, tế bào chết hay chất nhờn. Không để xà phòng hoặc nước nóng thấm vào gây viêm loét. Sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê và để vết thương tự bong.
Bổ sung một số nhóm dinh dưỡng trong vitamin A như bí đỏ, gấc, cà chua, cà rốt, dấp cá; trái cây nhiều vitamin C như quýt, bưởi, chanh, cam, kiwi, dâu, vitamin E, kẽm, Omega 3...
Uống hai đến ba lít nước mỗi ngày, đẩy nhanh quá trình lành thương. Bảo vệ da khi ra ngoài, hạn chế đến những nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi, khí thải... để tránh nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Lê Minh Châu
Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM